Bối cảnh Chiến_dịch_phòng_ngự_chiến_lược_Leningrad

Chỉ sau hơn hai tuần đầu của cuộc Chiến tranh Xô-Đức, quân đội Đức Quốc xã đã tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô tại vùng Baltic từ 450 đến 600 km. Quân đội Liên Xô bị thiệt hại nặng nề cả về bộ binh, xe tăng, không quân, phải rút khỏi lãnh thổ các nước cộng hòa Xô Viết Litva, Latvia và phần lớn lãnh thổ Estonia. Đến ngày 9 tháng 7, một phần Tập đoàn quân 8 bị bao vây tại khu vực Tallinn. Thất bại của quân đội Liên Xô trên tuyến phòng thủ Narva - hồ Chudskoye - Pskov - Ostrov - Opochka đã làm cho khoảng cách tiếp giáp sườn trái của Phương diện quân Tây Bắc với cánh trái Phương diện quân Tây (Liên Xô) ngày một rộng ra.[4]

Việc rút lui nhanh chóng của quân đội Liên Xô còn làm cho họ bị mất nhiều vũ khí khí tài và đạn dược. 52% kho tàng quân sự ở khu vực biên giới bị phá hủy hoặc rơi vào tay quân Đức. Phương diện quân Tây Bắc là phương diện quân có hệ số sử dụng bom đạn một cách hữu ích thấp nhất trong số 5 phương diện quân Liên Xô thời kỳ đầu chiến tranh. Chỉ có 12% số bom đạn dự trữ được đưa vào sử dụng trong chiến đấu, 73% bị phá hủy, 15% rơi vào tay quân Đức. Đến ngày 9 tháng 7, tại các đơn vị chiến đấu chỉ còn trung bình từ 0,6 đến 0,8 cơ số đạn dược các loại, số lượng xe cơ giới các loại tại các đơn vị chỉ còn 30% so với trước chiến tranh. Dù đã được bổ sung nhưng quân số ở các sư đoàn lúc cao nhất vẫn chỉ đạt 80% so với biên chế ban đầu. Tổn thất về người đi đôi với tổn thất về đội ngũ sĩ quan chỉ huy mà hậu phương không đào tạo kịp. Do thiếu sĩ quan chỉ huy, từ ngày 10 tháng 7, nhiều bộ chỉ huy cấp quân đoàn bị giải thể. Tư lệnh tập đoàn quân trực tiếp chỉ huy các sư đoàn dưới quyền.[3]

Tình thế mặt trận trên hướng Leningrad của quân đội Liên Xô không những không được cải thiện mà còn xấu đi từ ngày 9 tháng 7 khi quân đội Đức Quốc xã chọc thủng phòng tuyến Pskov - Opochka và tiến nhanh lên phía Bắc đe dọa chia cắt toàn bộ mặt trận của Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) tại eo đất hẹp nối Narva với Rakvere nằm giữa hồ Chudskoye và biển Baltic. Trong khi đó, Phương diện quân Tây (Liên Xô) trên hướng Smolensk - Moskva bị uy hiếp nghiêm trọng làm cho Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô không thể điều thêm lực lượng dự bị đáng kể để tăng cường cho hướng Leningrad. Thậm chí, một số đơn vị pháo binh đã bị rút khỏi mặt trận này để chuẩn bị cho Chiến dịch phòng thủ Smolensk.[7]

Quân đội Đức Quốc xã đang trên thế thắng đã không bỏ lỡ cơ hội tấn công. Sau khi chiếm Pskov với cái giá rẻ nhất có thể kể từ đầu cuộc Chiến tranh Xô-Đức, các tập đoàn quân 18 và xe tăng 4 (Đức) đã nhanh chóng vận động tấn công theo hướng chung đến tuyến Kingisepp - Luga - Novgorod.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_phòng_ngự_chiến_lược_Leningrad http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/db/halder/1941_07.html http://militera.lib.ru/db/halder/1941_09.html http://militera.lib.ru/h/1941/03.html http://militera.lib.ru/h/isaev_av5/01.html http://militera.lib.ru/h/kovalchuk_vm/01.html http://militera.lib.ru/h/leningrad/01.html